Mượn nồi nấu cơm cho người nghèo

0 giờ mỗi tối thứ Bảy hằng tuần, khi phố xá chìm vào giấc ngủ, các thành viên trong Chi hội sinh viên Kiên Giang, trường Đại học Võ Trường Toản, tỉnh Hậu Giang lại xuống đường, mang những phần cơm nóng hổi đến với những phận đời khó khăn, cơ nhỡ trên địa bàn TP Cần Thơ.

“Trong một lần đi xem bóng đá về khuya, em và một người bạn bắt gặp một cụ bà nằm co ro bên vệ đường, trên người chỉ mặc một chiếc áo mỏng manh nên tụi em tới hỏi. Thấy bà bị lạnh nên em đã cởi áo khoác đang mặc trên người đắp lên người bà rồi đi. Về nhà, tụi em bàn tính và lên ý tưởng thực hiện chương trình này”, bạn Nguyễn Tuấn Kiệt (21 tuổi, sinh viên ngành Văn học), nói.

Để có kinh phí thực hiện, chi hội đã vận động tiền, quần áo, chăn màn, nhu yếu phẩm từ các bạn sinh viên và giảng viên trong trường. Công việc của chuyến “Hành trình lúc 0h” bắt đầu từ 18h. Các bạn chia nhóm rồi tự phân công việc cho nhau, nhóm thì đi chợ, nấu cơm; nhóm nấu thức ăn; nhóm chuẩn bị hộp, thìa, đũa, nước uống,…

Bạn Nguyễn Tuấn Kiệt cho biết, không có nồi nấu đủ số lượng cơm lớn 40 - 50 phần nên các bạn đã mượn nồi cơm điện của một quán cơm gần trường để nấu. Thực đơn toàn những món ăn đầy đủ dinh dưỡng như: Thịt kho, rau luộc, cá, trứng,… được “đóng hộp” cẩn thận, sạch sẽ.

Cởi áo đang mặc tặng người vô gia cư

Đúng 0h, khoảng 20 bạn sinh viên trong chi hội bắt đầu chuyến hành trình chia sẻ những bữa cơm nghĩa tình. Các bạn chia thành nhiều nhóm nhỏ len lỏi vào các ngõ ngách trên TP Cần Thơ, từ quận Cái Răng, Ninh Kiều đến tận Bình Thủy để trao những suất cơm thơm ngon, nóng hổi đến tận tay người nghèo.

Nằm co ro trên ghế đá ở công viên Nam Sông Hậu, một người đàn ông tên Hùng vội bật dậy khi thấy có nhiều người đến gần mình. Ông Hùng bị bệnh tim và bị teo cơ ở chân trái. Người thân trong gia đình đã mất hết nên 4 năm nay ông phải sống lang thang nay đây mai đó. Khi biết đây là nhóm sinh viên đến phát cơm miễn phí, ông rất mừng rỡ, lập cập lấy nạng đứng dậy đón lấy phần cơm từ tay các bạn sinh viên. Ông kể: “Trước đây có nhà nhưng sau khi mẹ tôi mất, người chị đã bán và đi nơi khác. Từ đó, suốt mấy năm qua tôi ngủ ở đây, lúc nào mưa thì vào mái hiên ở sân vận động trú, còn tắm rửa thì nhờ có vòi tưới cây ở công viên này. Cơm nước ai cho gì ăn đó, sống qua ngày”.

Tài sản của ông Hùng chỉ vỏn vẹn bộ đồ mỏng manh mặc trên người, một cái quạt giấy đã rách cùng vài thứ linh tinh để trong túi nilon cũ kĩ. “Tôi chỉ ước có một cái áo ấm và một chiếc áo mưa. Hôm qua ai đó đã lấy mất của tôi rồi, chứ ngủ ở đây mà không có thì khổ lắm”. Ngay lập tức Nguyễn Tuấn Kiệt lấy chiếc áo của mình và áo mưa tặng cho ông Hùng.

Chuyến phát cơm kết thúc lúc 2h sáng. Trời mưa rả rích, cả đoàn phải vào một quán ăn khuya ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều để trú, bất ngờ gặp một hoàn cảnh đáng thương. Một người đàn ông bán vé số trạc 50 tuổi, tay chống nạng đến từng bàn mời khách mua vé số. Bạn Huỳnh Nguyễn Khánh Vy (sinh viên năm thứ 2, ngành quản trị kinh doanh) kể: “Trong thùng còn 2 phần cơm định chia nhau ăn. Thấy chú ấy mời mua vé số từng người trong nhóm nhưng tụi em không ai mua. Rồi chú ấy lấy thức ăn thừa trên bàn bỏ vào túi nilon. Tụi em nhanh chóng quyết định tặng những phần cơm còn lại cho chú. Chú cứ cúi đầu cảm ơn, còn tụi em hôm đó đói nhưng mà vui”.